Khởi đầu bằng thất bại...
Sinh năm Quý Hợi (1983), nhìn vận số, phong thái của Ngô Bách Nhật người ta thấy có sự đĩnh đạc, an nhàn, vinh hoa quyên tước. Nhưng khi trò chuyện, Nhật trải lòng: thú thực là trong cuộc sống em cũng phải lăn lộn, bươn trải chứ đâu có được hưởng cái phúc an nhàn như nhiều bạn bè đồng trang lứa. Bươn trải nhiều, không phải là không có những thành công. Nhưng thất bại là chủ yếu. Có những thất bại nó làm cho mình còn không dám ngẩng mặt lên nhìn những người có ân tình với mình.
Bắt đầu trên con đường khởi nghiệp bằng những thất bại, Ngô Bách Nhật (phải) đang có những thành công mới trên con đường khởi nghiệp với sản phẩm "Trúc Sơn tửu” tại quê hương Đà Bắc
Dù vậy, với sự tài trí, bản tính ngay thẳng, cứng cỏi, tự chủ, tự lực thế nên chưa bao giờ Ngô Bách Nhật để mình gục ngã. "Sau mỗi lần thất bại, em đều tự mình đứng dậy, cố gắng vươn lên”, Nhật chia sẻ. Từng là học sinh khoá đầu tiên của lớp chuyên sinh trường Hoàng Văn Thụ. Không như chúng bạn, Ngô Bách Nhật lại chọn theo học Công nghệ thông tin tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Ra trường, dù cũng có thể sống bằng nghề nhưng cậu lại "nhảy” việc, chuyển sang học nấu ăn với ý định sau khi học xong sẽ ra nước ngoài lập nghiệp. Tuy nhiên, sau khi học xong mọi chuyện không như tính toán của chàng trai trẻ này. Không nản, Nhật lại chuyển sang đầu tư trồng cây dược liệu. Theo Nhật "Đây là một quyết định sai lầm nhất của em. Khi đầu tư mới chỉ chú trọng đến năng suất sản phẩm chứ chưa tính được đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, mô hình trồng dược liệu thất bại. Tuy vậy, đây cũng là một may mắn khi em được thử sức mình trong một lĩnh vực mới”, Nhật kể. Chính vì không có duyên với nghề nên động đến việc gì Nhật cũng gặp khó khăn, thậm chí là thất bại. Có những thất bại đã "thổi bay” tất cả vốn liếng dành dụm cũng như toàn bộ số tiền vay mượn của anh em, bạn bè. Như việc Nhật đã "liều” kêu gọi và tham gia chung vốn cùng một số người mở đại lý phân phối linh kiện, máy nông nghiệp cho người dân ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Do còn thiếu kinh nghiệm, không xây dựng được hệ thống mạng lưới phân phối sản phẩm đến với người tiêu dùng. Do vậy, cũng giống như những lần trước, dự án này cũng chỉ mang lại cho Nhật những bài học kinh nghiệm để đời.
Tiếp sau những thất bại đó và cũng là để tìm sự cân bằng trong cuộc sống, rèn luyện tinh thần, rèn luyện bản thân, Nhật đi học võ. Là người thông minh, quá trình học Nhật đã tiếp thu, lĩnh hội được những nét tinh hoa của võ thuật. Từ chỗ chỉ học để rèn luyện ý chí bản thân, võ thuật đã trở thành niềm đam mê của chàng trai này. Chính từ đam mê này, đã đưa Ngô Bách Nhật trở thành một trong số ít võ sư trẻ được trung tâm UNESCO về Phát triển Văn hoá và Thể thao Việt Nam trao bằng chứng nhận võ sư. Với niềm đam mê và tình yêu võ thuật, Ngô Bách Nhật đã mở "lò” dạy võ cho những người có cùng đam mê. Ban đầu, chỉ có một vài người nhưng rồi những lớp học võ do Nhật mở ra cứ đông dần lên. Cho đến bây giờ, trong giới võ thuật ở Hoà Bình, Nhật đã có một chỗ đứng. Tình yêu và niềm đam mê võ thuật cứ thế được truyền đến với nhiều thế hệ người học. Nhiều người từ chỗ là học viên nay đã cùng với Nhật đứng lớp để truyền dạy tình yêu võ đạo. "Khi mở các lớp dạy võ, em thấy mình đã thành công khi truyền được tình yêu võ thuật và đạo nghĩa của người học võ cho các học viên để họ luôn có tinh thần thượng võ, hướng thiện với phương châm học võ cũng là để rèn luyện đạo đức, học đạo làm người”, Nhật chia sẻ.
...đứng dậy từ nơi quê nghèo
Trong cuộc trò chuyện, Nhật chia sẻ: có một điều may mắn đối với em là dù thành công hay thất bại, em vẫn luôn có một nơi chốn để đi về. Đó là ngôi nhà nhỏ của bố mẹ để lại ở xóm Trúc Sơn xã Toàn Sơn (Đà Bắc). Đây cũng là nơi em sinh ra và lớn lên.
Tại đây, mỗi lần về quê Nhật thường leo lên đỉnh núi Ông và núi Cô ngay phía sau nhà để rũ bỏ muộn phiền trong cuộc sống. Hơn nữa, đây cũng là nơi chàng trai này vẫn còn lưu giữ trong tâm trí những câu chuyện về 2 ngọn núi thiêng này. Theo các cụ trong vùng kể lại thì chỉ những ngày trời thật quang mây mới nhìn thấy rõ đỉnh 2 ngọn núi. Còn bình thường thì lúc nào cũng có mây mù che phủ. Có một điều đặc biệt nữa là trên đỉnh 2 ngọn núi này từ xưa đến giờ có những mạch nước tuôn chảy không bao giờ cạn. Đây đều là nguồn nước quý. Dù bắt nguồn từ đỉnh núi đá vôi nhưng tuyệt nhiên không hề có cặn đá vôi lắng đọng; hoàn toàn không có vi sinh vật, tạp chất có hại. Nguồn nước này từ xưa chỉ được người dân lấy về dùng khi sắc thuốc và những dịp lễ đại của dân bản trong vùng.
Câu chuyện về nguồn nước quý này đã được Ngô Bách Nhật kể cho một người bạn là Giám đốc phân phối nhãn hàng rượu Vodka Men trong một lần gặp gỡ. Sau câu chuyện, một lời khuyên dành cho Nhật là trở về quê hương khởi nghiệp bằng chính nguồn nước quý đó. "Ban đầu, nghe bảo về quê để khởi nghiệp bằng nguồn nước trên núi, lúc đó em cũng chưa hình dung được mình sẽ phải làm gì, làm như thế nào và bắt đầu từ đâu. Thời gian đấy, em cứ đi đi về về giữa Hà Nội - Hoà Bình. Lần nào về em cũng lên núi, cứ lang thang quanh "mó” nước hết ngày hết buổi nhưng cũng chưa có ý tưởng nào khả dĩ. Thế rồi trong một lần tình cờ đọc được câu chuyện vè việc người Pháp chọn nguồn nước để sản xuất bia tại Việt Nam. Thì em mới chợt nghĩ nguồn nước ở quê mình có thể làm được rượu. Hơn nữa, nguồn nước này có đủ điều kiện để làm được loại rượu ngon, có chất lượng cao”, Nhật kể.
Nghĩ là làm, ngay khi có ý tưởng Nhật đã gác lại tất cả công việc để về quê. Về đến nhà, việc đầu tiên chàng trai này làm là đi lên núi Cô gánh về một thùng nước để... nhấm nháp. Tiếp đó, Nhật đã tìm hiểu việc sản xuất, chưng cất rượu theo phương pháp cổ truyền của người dân tộc. Đồng thời, xin theo học nghề nấu rượu, cách làm men lá. Nói thì đơn giản nhưng quá trình này cũng đã lấy đi của Nhật cả năm trời. Với phương châm "mình nắm chắc kỹ thuật không bằng người có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn”, Nhật đã tìm thuê được những người giỏi về chuyên môn về thành lập Hợp tác xã Vịnh Xuân do chính Nhật làm giám đốc. Với cách làm đầu tư một cách bài bản, có địa chỉ rõ ràng, sản phẩm rượu thóc "Trúc Sơn tửu” của Hợp tác xã Vịnh Xuân bước đầu đã có được chỗ đứng khi thị trường tiêu thụ bắt đầu được mở rộng không chỉ ở trên địa bàn huyện mà sản phẩm cũng đã được đưa đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đây là loại rượu được chế biến hoàn toàn thủ công bằng các loại thóc có chất lượng cao được trồng tại Đà Bắc. "Để phát triển bền vững cũng như tạo được niềm tin với người tiêu dùng, vừa qua em cũng đã hoàn thành việc đăng ký kinh doanh mẫu mã và hoàn thành việc đăng ký quản lý chất lượng với các cơ quan chức năng nhằm tạo sự đồng nhất về chất lượng từng sản phẩm trước khi đưa đến tay người tiêu dùng”, Nhật cho biết. Sản phẩm Trúc Sơn tửu cũng đã được mang đi kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Kết quả khả quan vượt ngoài mong đợi khi nồng độ Methanol chỉ ở mức 113mg/L thấp hơn... 18 lần so với quy chuẩn cho phép (theo quy chuẩn TCVN7043-2013 cho phép nồng độ Methanol trong sản phẩm rượu ≤2000). Đáng nói hơn, với cơ sở sản xuất và có vùng nguyên liệu đảm bảo, Hợp tác xã Vịnh Xuân của Ngô Bách Nhật có đủ khả năng sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng nghìn lít rượu có chất lượng cao, đảm bảo an toàn mỗi tháng. Qua đó, đã tạo việc làm với thu nhập ổn định từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng cho gần chục lao động là người địa phương.
Thành công này của Ngô Bách Nhật đã được chính đồng chí Đinh Công Báo, Bí thư Huyện uỷ Đà Bắc kỳ vọng: "Bây giờ có thể nhiều người còn chưa biết đến nhưng trong một tương lai không xa, đây sẽ trở thành một sản phẩm mang tính đặc trưng, tiêu biểu của huyện vùng cao Đà Bắc”. Thành công này cũng là bước đệm để tới đây Ngô Bách Nhật tiếp tục thực hiện các "dự án xanh” có sự liên kết đảm bảo đầu ra ổn định. Góp phần chuyển đổi đa dạng cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích ở vùng đất còn nhiều khó khăn như huyện vùng cao Đà Bắc này.
Mạnh Hùng