(HBĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, những năm qua, nghề nuôi ong tại xã Yên Bồng (Lạc Thủy) ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm mật ong của nông dân xã Yên Bồng có chất lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.


Mô hình nuôi ong của ông Vũ Văn Hiến, xóm Mạnh Tiến, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.


Hiện tại, toàn xã có 15 hộ nuôi ong với 1.135 đàn. Các hộ đã áp dụng KHKT, sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, nhờ đó chất lượng mật ong đảm bảo, tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường. Phong trào nuôi ong lấy mật phát triển tập trung ở xóm Mạnh Tiến, Quý Tiến... Nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng, đầu tư nuôi ong với hàng trăm đàn, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Năm 2008, các hộ tự liên kết, thành lập CLB nuôi ong lấy mật, nhờ đó sức cạnh tranh của sản phẩm mật ong trên thị trường ngày càng được nâng cao.

 Đồng chí Trần Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Yên Bồng cho biết: "Nhận thấy nghề nuôi ong phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương, xã đã khuyến khích bà con nhân rộng đàn kết hợp với trồng rừng để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong. Rủi ro thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, do đó nghề nuôi ong đang là một trong những hướng phát triển kinh tế triển vọng của xã. Với định hướng khuyến khích đa dạng các ngành nghề phát triển kinh tế, việc phát triển và nhân rộng mô hình nuôi ong đóng góp đáng kể trong công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân".

Ông Vũ Văn Hiến, xóm Mạnh Tiến có hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi ong. Hiện gia đình ông có trên 100 đàn, mỗi vụ thu được gần 1 tấn mật, được tư thương đến tận nhà thu mua. Ông Hiến cho biết: "Những năm qua, đúc kết kinh nghiệm từ việc nuôi ong, hướng đến tiêu chí sản phẩm sạch nên sản phẩm mật ong của gia đình tôi luôn được tư thương thu mua. Với giá bán 160.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí, sản phẩm mật ong đem lại cho gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm".

Nghề nuôi ong không cần nhiều vốn đầu tư, không tốn nhân lực, đem lại thu nhập ổn định, do đó không ít người đã chuyển đổi sang nuôi ong. Tuy vậy, nghề này đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ trong từng công đoạn, do đó không phải hộ nào cũng có thể theo nghề được. Ông Vũ Văn Hiến cho biết thêm: "Đối với nghề nuôi ong, điều quan trọng nhất là chọn ong chúa, nếu ong chúa khỏe mạnh thì đàn ong sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, cho lượng mật cao. Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào như hoa keo, nhãn... nên chi phí cho mỗi đàn ong không đáng kể. Bên cạnh đó, việc phòng, chống dịch bệnh cũng được đặt lên hàng đầu".

Hiện, CLB nuôi ong xã Yên Bồng có 15 thành viên. Hàng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ, cùng bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm nuôi ong giữa các hội viên nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm mật ong của các hộ trên địa bàn xã được thị trường ưa chuộng, bởi chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Ngoài tiêu thụ trong huyện, sản phẩm mật ong của xã Yên Bồng còn đến được với khách hàng ngoại tỉnh. Qua mô hình cho thấy, nghề nuôi ong là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, tạo sản phẩm có chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cao.

 

Hoàng Anh

 


Các tin khác


Chàng thanh niên thành công với mô hình gia công may mặc

(HBĐT) - Chưa từng tham gia các lớp học về may mặc, bản thân còn khá xa lạ với chiếc máy khâu. Tuy nhiên do chịu khó học hỏi, tìm tòi, anh Đinh Thành Hân ở xóm Đồng Mai, xã Yên Trị (Yên Thủy) đã thành công với mô hình xưởng may gia công quần áo. Qua đó nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Mật ong Thành An – bước khởi đầu xây dựng sản phẩm đặc trưng

(HBĐT) - Với lợi thế diện tích rừng tự nhiên lớn, người dân bản địa có kinh nghiệm trong nghề nuôi ong lấy mật, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Mỹ Thành, Lạc Sơn đã chỉ đạo và xây dựng thành công thương hiệu mật ong Thành An làm sản phẩm đặc trưng của xã.

Chuyện về những ông chủ “rừng” bưởi trên núi Khả

(HBĐT) - "Cả 4 chúng tôi từng phải ôm nhau khóc giữa núi rừng hoang vu, cô tịch. Bởi sức người có hạn nhưng khó khăn thì vô hạn”. Xoa đôi bàn tay dầy nốt chai, sần, hướng ánh mắt về phía vườn bưởi Diễn đang mùa trĩu quả vàng óng, ông Bạch Công Thế ở xóm Khả Trên, xã Bắc Sơn (Kim Bôi) mở đầu câu chuyện về con đường làm giàu ở vùng đất nhìn đâu cũng thấy khó khăn, trắc trở một cách tự nhiên, chân chất như chính những con người nơi đây vậy.

Phụ nữ xóm Hạnh Phúc khởi nghiệp với bánh gai

(HBĐT) - Bánh gai xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) nổi tiếng với hương vị truyền thống, chất lượng tuyệt hảo. Nhằm nâng tầm sản phẩm truyền thống của địa phương, đưa hương vị thơm, ngọt của bánh gai tới khắp vùng miền, đồng thời nâng cao thu nhập, xóa đói - giảm nghèo, tổ hợp tác sản xuất bánh gai xóm Hạnh Phúc đã được thành lập với thành viên là các chị em đam mê làm bánh.

Câu chuyện khởi nghiệp của “nữ tướng” ngành thương mại

(HBĐT) - Bản thân chị - "nữ tướng” Phạm Thị Nhuận (ảnh), Giám đốc Công ty CP thương mại Định Nhuận (tổ 5, đường Lê Thánh Tông, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) cũng thừa nhận đã dấn bước thương trường là phải chấp nhận "lao tâm, khổ tứ”. Bằng bản lĩnh của người phụ nữ kinh qua trường đời tôi luyện, cáng đáng trách nhiệm đảm bảo đời sống của gần 200 lao động, chị đã mang trí tuệ, tâm đức của mình quản lý, điều hành doanh nghiệp phát triển, trở thành doanh nghiệp thương mại, dịch vụ hàng đầu của tỉnh.

Cô giáo đam mê với nghề làm đẹp

(HBĐT) - Chị Bùi Thị Thùy Dung, phường Chăm Mát (thành phố Hòa Bình) chia sẻ: Có niềm đam mê, có kiến thức về nghề, có chiến lược kinh doanh cụ thể, xác định dịch vụ mũi nhọn trong spa, xây dựng thương hiệu uy tín là 5 yếu tố quyết định thành công của Ryby spa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục