Hội viên phụ nữ xóm Be, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) thu hoạch dổi - sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu tập thể.
Để xác định hướng hỗ trợ phù hợp, các cấp Hội trong huyện đã rà soát nhu cầu việc làm đối với phụ nữ có ý tưởng kinh doanh; ưu tiên phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, phụ nữ đơn thân, phụ nữ gia đình chính sách; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ lồng ghép trong các chương trình hoạt động Hội. Ngoài ra, Hội khuyến khích phụ nữ thực hiện các ý tưởng kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Để trang bị kiến thức cho hội viên, Hội LHPN huyện tổ chức 8 lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh, kiến thức maketting trong bán hàng cho cán bộ, hội viên phụ nữ (CB, HVPN). Bên cạnh đó, các cấp Hội xây dựng 25 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Ý tưởng mô hình "Trồng ớt rừng Lạc Sơn” đoạt giải thưởng cấp T.Ư và được hỗ trợ vốn khởi nghiệp 157,9 triệu đồng. Ý tưởng Đề án "Xây dựng phát triển sản phẩm và nhãn hiệu gà đồi Hương Nhượng" đoạt giải khuyến khích cấp tỉnh. Ý tưởng mô hình "Sản xuất và chế biến hạt dổi Chí Đạo” đoạt giải cấp huyện được hỗ trợ vốn 50 triệu đồng.
Để các sản phẩm nông sản của các ý tưởng khởi nghiệp được tiêu thụ ổn định, Hội LHPN huyện tham mưu UBND huyện tổ chức làm việc với một số công ty, doanh nghiệp, siêu thị như: Trung tâm Tây Bắc tại quận Hà Đông (Hà Nội), cửa hàng Bác Tôm tại Hà Nội, siêu thị Vì Hòa Bình (TP Hòa Bình), cửa hàng thực phẩm sạch tại TP Hòa Bình… Bên cạnh đó, tham gia hội chợ thương mại, nông nghiệp làng nghề khu vực đồng bằng sông Hồng tại Bắc Ninh; đưa sản phẩm tham gia giới thiệu tại hội chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2019… Các chương trình, dự án như: Phát triển vùng tại Lạc Sơn, Trung tâm Tây Bắc đã hỗ trợ mở các lớp khởi sự doanh nghiệp, xây dựng ý tưởng và hỗ trợ trên 300 triệu đồng cho phụ nữ khởi nghiệp trong năm 2019.
Đồng chí Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết thêm: Hiện nay, huyện có 7 doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ; 125 mô hình các loại với 6.000 lượt thành viên tham gia, trong đó có 7 mô hình làm kinh tế giỏi thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Các sản phẩm đã có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, được sản xuất theo chuỗi có sự giám sát của Hội LHPN, ngành chuyên môn của huyện như: thổ cẩm, rượu cần, thịt chua, gà Lạc Sơn, hạt dổi, ớt rừng Phú Lương, thịt lợn bản địa... Sản phẩm gà Lạc Sơn và hạt dổi Lạc Sơn đã được cấp nhãn hiệu tập thể.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giúp hội viên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội LHPN còn phối hợp với các kênh ngân hàng, dự án hỗ trợ vốn vay cho trên 4.000 lượt CB, HVPN với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội tổ chức rà soát có 1.269 phụ nữ nghèo làm chủ hộ, năm 2019 đăng ký giúp 231 hộ, trong đó đã giúp 58 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững.
Hùng An