(HBĐT) - Tận dụng diện tích đất tự nhiên bằng phẳng, điều kiện khí hậu thuận lợi, hệ thống giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, nhiều hộ dân ở thôn Thung Trâm, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) đã tận dụng từng tấc đất, mảnh vườn để phát triển mô hình trồng sả với diện tích gần 30 ha. Qua đó từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình.


Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Văn Toàn ở thôn Thung Trâm, hộ tiên phong phát triển mô hình trồng sả, đồng thời là chủ cơ sở thu mua sả cho nhân dân trên địa bàn và các vùng lân cận. Chia sẻ với chúng tôi, anh Toàn cho biết: "Cuối năm 2014, thấy nhiều hộ ở huyện Lương Sơn phát triển kinh tế hiệu quả từ cây sả. Nhận thấy địa phương có nhiều điểm tương đồng về địa hình, khí hậu tự nhiên, tôi mua giống sả về trồng thí điểm với hy vọng nâng cao thu nhập. Nhờ tích cực tìm tòi, học hỏi và áp dụng hiệu quả KHKT vào quá trình sản xuất, diện tích sả của gia đình tôi phát triển tốt. Đến nay, toàn bộ diện tích sả của gia đình tôi được mở rộng trên quy mô 10 ha. Theo đó, một năm, cây sả cho thu hoạch 3 vụ, sản lượng đạt khoảng 24 tấn/ha. Hiện tại, giá tôi thu mua của người dân trong vùng dao động từ 4.000 - 4.500 đồng/kg, trong đó những tháng cuối năm có thể đạt đỉnh 12.000 đồng/kg. Giá bán cho tư thương thường cao hơn từ 700 - 1.000 đồng/kg so với giá thu mua của người dân. Năm 2018, lợi nhuận sau khi trừ phí từ mô hình trồng sả đạt 400 triệu đồng”.


Anh Phạm Văn Toàn (bên phải) ở thôn Thung Trâm, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) hướng dẫn hộ dân kỹ thuật thu hoạch sả.

Hiện nay, gia đình anh Toàn là cơ sở thu mua sả duy nhất trên địa bàn. Theo đó, toàn bộ sản phẩm của bà con được sơ chế, đóng gói và vận chuyển đến các đầu mối thu mua tại các tỉnh, thành phố: Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng… Ngoài ra, anh Toàn còn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước chuyên chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu sả. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu mua từ 700 - 800 tấn sả của bà con trên địa bàn và các vùng lân cận.

Có mặt tại vườn sả của gia đình ông Bùi Văn Huy, thôn Thung Trâm, một trong những hộ phát triển hiệu quả mô hình trồng sả. Đưa chúng tôi thăm quan vườn, ông Huy chia sẻ: "Với đồng lương công nhân ít ỏi, gia đình tôi lựa chọn trồng sả những lúc nhàn dỗi để nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tận dụng đất vườn tạp, gia đình tập trung cải tạo, trồng trên 1.200 m2 sả. Mỗi ngày nghỉ, vợ chồng tôi có thể thu hoạch được khoảng 2 tạ sả, giá thu mua trung bình đạt 4.500 đồng/kg. Năm 2018, lợi nhuận của gia đình đạt 15 triệu đồng”.

Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ phát triển mô hình trồng sả. Hàng năm, xã đã chỉ đạo Trung tâm Học tập cộng đồng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT về trồng sả. Thường xuyên phân công cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân mới bắt đầu phát triển mô hình. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn theo quy định để phát triển và mở rộng quy mô trồng sả.

Đồng chí Bùi Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi cho biết: "Mô hình trồng sả ở thôn Thung Trâm đã phát huy hiệu quả, mặc dù chưa thể giúp người dân làm giàu nhưng phần nào cải thiện đáng kể được thu nhập. Nhiều hộ dân tại các thôn, xóm trên địa bàn xã đã học hỏi cách làm và bắt tay vào làm thí điểm. Theo thống kê, diện tích sả trên địa bàn toàn xã đã mở rộng lên trên 100 ha. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích các hộ dân mở rộng quy mô trồng sả. Liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn và các khu vực lân cận để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng cây sả, hướng đến phát triển sả công nghệ cao, đủ chất lượng bày bán tại các siêu thị lớn. Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.


Đức Anh


Các tin khác


Hội LHPN huyện Kim Bôi: Hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, phát triển kinh tế hiệu quả

(HBĐT) -Thời gian qua, Hội LHPN huyện Kim Bôi đã huy động tốt các nguồn lực để hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phụ nữ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả.

Phát triển thương hiệu bưởi đỏ Tân Lạc

(HBĐT) - Nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc” được công nhận cuối tháng 11/2017 đã khẳng định chất lượng sản phẩm tiêu biểu của quê hương Mường Bi cũng như nỗ lực của chính quyền và nông dân huyện Tân Lạc. Huyện tiếp tục nâng tầm thương hiệu bằng cách mở rộng diện tích trồng bưởi theo quy trình VietGAP để đóng góp vào chuỗi cung ứng thực phẩm sạch của tỉnh Hòa Bình. Trên cơ sở đó, năm 2019, UBND huyện Tân Lạc đăng ký ý tưởng và lựa chọn bưởi đỏ là sản phẩm OCOP.

Thu nhập khá từ trồng dưa lê Hàn Quốc

(HBĐT) - Ba năm trở lại đây, dưa lê Hàn Quốc xuất hiện trên địa bàn huyện Mai Châu và dần trở thành một hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Với những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tích luỹ qua nhiều năm, nhận thấy dưa lê Hàn Quốc đem lại giá trị kinh tế cao bởi kỹ thuật chăm sóc đơn giản, không tốn nhiều chi phí, lại phù hợp với khí hậu địa phương, ông Hà Văn Thư, xóm Sun (xã Xăm Khoè) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất ruộng trồng cây kém hiệu quả sang trồng dưa lê. Đến nay, mô hình của gia đình ông đã cho thu nhập ổn định, trở thành mô hình điểm cho nhiều hộ xung quanh học hỏi.

Làm giàu từ những chân ruộng kém hiệu quả

(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã khích lệ nhiều hội viên nông dân xã Thanh Hối (Tân Lạc) chủ động phát triển kinh tế, xóa đỏi giảm nghèo bền vững bằng những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Trong đó, tiêu biểu là ông Bùi Văn Thuận, xóm Sung với mô hình trồng rau sạch và vườn ươm giống mang lại thu nhập cao. 

Rời hang Dấu Rìu trở thành tỷ phú trồng cam

(HBĐT) - Qua lời kể của đồng chí Bùi Thị Hạt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong (Cao Phong), chúng tôi có dịp tiếp xúc với ông Bùi Văn Khượng, 50 tuổi ở xóm Trang Trong, xã Tân Phong, điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Từng là lính công binh, trở về địa phương với đôi bàn tay trắng. Khao khát đổi đời, làm giàu trên chính quê hương mình đã thôi thúc chàng trai trẻ Bùi Văn Khượng tìm hướng đi riêng cho mình.

Tổ hợp tác chăn nuôi gà bản địa xóm Đam cùng khởi nghiệp

(HBĐT) - Năm 2015, một số nông dân ở xóm Đam, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) cùng bàn bạc, trao đổi và lựa chọn đầu tư chăn nuôi gà bản địa theo hướng thương phẩm với mục đích phát triển kinh tế gia đình. Năm 2016, xuất phát từ nhu cầu tập hợp lại, họ lập nên nhóm sở thích, đến năm 2017 chính thức thành lập tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà bản địa xóm Đam với 8 hộ thành viên. Từ đó đến nay, mặc dù chưa nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước nhưng bằng sự hợp lực của các thành viên, THT đã duy trì và phát triển, trở thành địa chỉ tin cậy cung ứng gà bản địa cho thị trường trong, ngoài tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục