(HBĐT) - Xác định vai trò của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là lực lượng tiên phong trong các lĩnh vực, những năm qua, tuổi trẻ xã Trường Sơn (Lương Sơn) luôn tích cực tìm tòi, sáng tạo trên mặt trận kinh tế, xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới (NTM).

Anh Dương Đức Thịnh, xóm Cột Bài là một trong những thanh niên gương mẫu trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Anh Thịnh chia sẻ với chúng tôi: "May mắn được thừa hưởng thành tựu kinh tế của gia đình, tuy nhiên, bản thân tôi luôn nỗ lực, sáng tạo phát triển các mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Hiện nay, trang trại cây có múi của gia đình tôi phát triển trên diện tích 1,5 ha. Trong đó có khoảng 1.000 gốc cam, gần 100 gốc bưởi các loại. Nhờ áp dụng hiệu quả kinh nghiệm và KHKT vào quá trình chăm bón nên cây lớn nhanh, không bị sâu bệnh. Năm 2018, gia đình tôi thu bói được 10 tấn cam, 3.000 quả bưởi, tổng thu nhập đạt khoảng 300 triệu đồng.Bên cạnh đó, gia đình trồng thêm 10 ha keo chuẩn bị đến kỳ thu hoạch”.


ĐV-TN xã Trường Sơn (Lương Sơn) trồng hoa dọc ven đường tạo cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp, góp phần hoàn thành tiêu chí số 17 trong xây dựng NTM.

Không chỉ phát triển kinh tế hiệu quả, anh Thịnh còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập bình quân 200.000 đồng/ người/ngày. Ngoài ra, anh thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây có múi với ĐVTN trên địa bàn; tích cực đóng góp ngày công góp phần xây dựng NTM.

Theo thống kê, toàn xã hiện có 4 trang trại, gia trại phát triển chăn nuôi kết hợp trồng trọt; 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, buôn bán vật liệu xây dựng. Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ ĐVTN phát triển kinh tế, Đoàn Thanh niên xã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện với tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng. Hàng năm chủ động phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng tổ chức từ 2 - 3 buổi tập huấn, chuyển giao KHKT. Thường xuyên giao lưu, gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình mở rộng và phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế.

Bên cạnh vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, Đoàn Thanh niên xã thực hiện công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, thôn, xóm tích cực tuyên truyền, vận động ĐVTN tham gia các hoạt động hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, góp phần xây dựng NTM. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, ĐVTN xã đã xây dựng 2 tuyến đường hoa tại xóm Cột Bài, Suối Bu dài 2 km. Lắp đặt hệ thống điện thắp sáng đường quê kinh phí 20 triệu đồng. Huy động gần 1.000 ngày công xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Phát dọn, tu sửa 5 km đường giao thông, nạo vét 2 km kênh mương thủy lợi. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ĐVTN, xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh,đảm bảo ANCT - TTATXH.

Đồng chí Bùi Văn Tảo, Bí thư Đoàn Thanh niên niên xã Trường Sơn cho biết: "Dự kiến cuối năm nay, Trường Sơn sẽ hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Đoàn xã tiếp tục phát huy vai trò của ĐVTN trên tất cả các lĩnh vực. Năng động, sáng tạo phát triển các mô hình kinh tế mới đem lại thu nhập cao. Tích cực tham gia các hoạt động: hiến đất, đóng góp ngày công, xung kích, sáng tạo vì cuộc sống cộng đồng. Qua đó, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần xây dựng đô thị văn minh".

Anh Đức


Các tin khác


Thu bạc tỷ mỗi năm nhờ mô hình vỗ béo trâu, bò

(HBĐT) - Thu mua trâu, bò gầy yếu đem về vỗ béo rồi xuất bán, công việc tưởng chừng như đơn giản ấy đã đem lại cho hộ chị Hồ Thị Kiều, xóm Gò Chè, xã Hợp Kim (Kim Bôi) thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Hội LHPN huyện Kim Bôi: Hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, phát triển kinh tế hiệu quả

(HBĐT) -Thời gian qua, Hội LHPN huyện Kim Bôi đã huy động tốt các nguồn lực để hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phụ nữ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả.

Phát triển thương hiệu bưởi đỏ Tân Lạc

(HBĐT) - Nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc” được công nhận cuối tháng 11/2017 đã khẳng định chất lượng sản phẩm tiêu biểu của quê hương Mường Bi cũng như nỗ lực của chính quyền và nông dân huyện Tân Lạc. Huyện tiếp tục nâng tầm thương hiệu bằng cách mở rộng diện tích trồng bưởi theo quy trình VietGAP để đóng góp vào chuỗi cung ứng thực phẩm sạch của tỉnh Hòa Bình. Trên cơ sở đó, năm 2019, UBND huyện Tân Lạc đăng ký ý tưởng và lựa chọn bưởi đỏ là sản phẩm OCOP.

Thu nhập khá từ trồng dưa lê Hàn Quốc

(HBĐT) - Ba năm trở lại đây, dưa lê Hàn Quốc xuất hiện trên địa bàn huyện Mai Châu và dần trở thành một hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Với những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tích luỹ qua nhiều năm, nhận thấy dưa lê Hàn Quốc đem lại giá trị kinh tế cao bởi kỹ thuật chăm sóc đơn giản, không tốn nhiều chi phí, lại phù hợp với khí hậu địa phương, ông Hà Văn Thư, xóm Sun (xã Xăm Khoè) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất ruộng trồng cây kém hiệu quả sang trồng dưa lê. Đến nay, mô hình của gia đình ông đã cho thu nhập ổn định, trở thành mô hình điểm cho nhiều hộ xung quanh học hỏi.

Làm giàu từ những chân ruộng kém hiệu quả

(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã khích lệ nhiều hội viên nông dân xã Thanh Hối (Tân Lạc) chủ động phát triển kinh tế, xóa đỏi giảm nghèo bền vững bằng những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Trong đó, tiêu biểu là ông Bùi Văn Thuận, xóm Sung với mô hình trồng rau sạch và vườn ươm giống mang lại thu nhập cao. 

Rời hang Dấu Rìu trở thành tỷ phú trồng cam

(HBĐT) - Qua lời kể của đồng chí Bùi Thị Hạt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong (Cao Phong), chúng tôi có dịp tiếp xúc với ông Bùi Văn Khượng, 50 tuổi ở xóm Trang Trong, xã Tân Phong, điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Từng là lính công binh, trở về địa phương với đôi bàn tay trắng. Khao khát đổi đời, làm giàu trên chính quê hương mình đã thôi thúc chàng trai trẻ Bùi Văn Khượng tìm hướng đi riêng cho mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục