(HBĐT) - Anh Bùi Văn Lực, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy (Kim Bôi) là một trong những người tiên phong đưa giống nhãn Hương Chi về đồng đất quê hương, xây dựng thành công giống nhãn Sơn Thủy, mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân mà nhiều nơi khác ước mơ. Anh được bình chọn là tấm gương lao động sản xuất giỏi, vinh dự được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, nhận được sự tin yêu, trân trọng của cán bộ và người dân.


Trở lại những năm 1998-1999, không chỉ riêng Sơn Thủy mà các xã khác của huyện Kim Bôi đều trong tình trạng quanh năm vất vả, lo cái ăn còn chẳng đủ. Sơn Thủy là xã thuần nông, có trên 3.000 dân nhưng diện tích tự nhiên để sản xuất nông nghiệp chỉ có 300 ha đất rừng, 180 ha đất trồng lúa và trồng màu. Nguồn sống và thu nhập của người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp, ngành nghề phụ không có, phấn đấu đủ ăn đã rất khó khăn, chẳng ai nghĩ có thể làm giàu. Bà con cũng tìm tòi, thử nghiệm nhiều loại cây, con từ trồng dưa hấu, vải, nuôi lợn, gà, trồng rừng mãi chẳng khấm khá, vẫn thường trực nỗi lo tháng ba, ngày tám.

Năm 1993, rời quân ngũ trở về địa phương, anh tham gia làm nông nghiệp. Anh luôn trăn trở tìm cách thức làm ăn để ổn định cuộc sống. Qua nhiều nghề từ nuôi cá, trồng rau, trồng rừng, đắp suối làm thủy điện và không ít lần dở khóc, dở mếu vì thất bại. Anh quyết định đầu tư trồng nhãn Hương Chi bởi khi đi thăm họ hàng ở Hưng Yên, thấy người dân trồng nhãn có cuộc sống ổn định, khá giả. Anh bảo, khi ấy ở Hưng Yên bán một cân nhãn tương đương với một cân thịt lợn mông. Thế nhưng không đơn giản để nhãn Hương Chi nở hoa, tạo bước đột phá chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại cơ hội đổi đời cho nông dân Sơn Thủy hiện nay. Anh mạnh dạn đấu thầu 1,3 ha đất trồng màu không bỏ hoang, tổ chức quy hoạch để trồng nhãn Hương Chi. Ban đầu thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, sau mấy năm trồng cây lại đối mặt với thời tiết, sâu bệnh, cây có quả nhưng chất lượng chưa cao, có lúc phải bán từng cân nhãn.


Anh Bùi Văn Lực kiểm tra chất lượng nhãn Sơn Thủy.

Vụ nhãn bói năm 2002-2003, bán cả vườn, anh chỉ được khoảng 8 triệu đồng. Có những năm thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng. Mấy chục năm làm nông nghiệp, anh biết không thể có những mùa quả ngọt nếu không kiên trì cố gắng. Vừa làm, vừa học các hộ có kinh nghiệm trồng nhãn Hưng Yên, học qua sách, báo, tranh thủ ý kiến của cơ quan chuyên môn, đúc rút kinh nghiệm chăm sóc, cắt tỉa cành, chiết ghép, bón phân, phòng bệnh bắt đầu vụ những vụ tiếp, chất lượng, năng suất và sản lượng nhãn tăng dần, doanh thu từ nhãn nâng lên từ 20 triệu đồng, 50 triệu đồng rồi hơn nữa… Sau khoảng chục năm chứng tỏ cây nhãn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và là cây trồng đem lại thu nhập cao, hiệu quả kinh tế nhất trên vùng đất Sơn Thủy. Anh Lực hiện có 2,2 ha nhãn với 450 gốc nhãn Hương Chi và một số giống nhãn khác, đạt sản lượng bình quân 25 - 40 tấn/năm cùng với kết hợp nuôi lợn rừng, gà thả vườn hàng năm đem lại thu nhập ổn định cho gia đình từ 500-700 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Anh là một trong rất ít lãnh đạo xã có thu nhập cao, mua ô tô đời mới từ chính nghị lực vượt khó, làm giàu chính đáng, là điển hình để người dân học hỏi. Trong quá trình lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, anh đã mạnh dạn định hướng, phổ biến kiến thức, hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong thôn, xóm quy hoạch, cải tạo vườn tạp chuyển đổi sang trồng nhãn theo hướng sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị.

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể nhãn Sơn Thuỷ, mở ra cơ hội mới cho sản phẩm nhãn bước vào thị trường bền vững. Nhãn Sơn Thủy cho quả mọng, hạt nhỏ, thơm, ngọt dịu rất riêng, hơn nhiều loại nhãn địa phương. Khách hàng nhiều nơi biết đến hơn. Thị trường tiêu thụ đã không chỉ Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An giờ có mặt và được khách hàng Hải Dương, Hải Phòng… Cây nhãn đang mang về những cơ hội đổi đời cho người dân Sơn Thủy. Đến nay đã có 54% hộ dân trồng nhãn. Toàn xã đã có 110 ha, trong đó, 58 ha cho thu hoạch. Sản lượng nhãn năm 2017 của xã đạt cỡ 700 tấn, đem về thu nhập 14 tỷ đồng cho người dân. Thu nhập bình quân từ nhãn đạt 250 triệu đồng/ha. Nếu biết đầu tư và chăm sóc tốt có thể cho thu nhập từ 400- 500 triệu đồng/ha, hiệu quả cao không khác gì trồng bưởi, trồng cam. Số hộ có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm bây giờ không còn hiếm. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và làm giàu bền vững. Nhiều hộ trong xã đã có ô tô đời mới, xây nhà, cho con ăn học đàng hoàng từ trồng nhãn. Sơn Thủy đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa mà nhiều nơi mơ ước.

Anh Lực tâm sự "Nhãn Sơn Thủy đã có thương hiệu và thị trường tương đối ổn định. Sơn Thủy không còn đồng ruộng manh mún. Quỹ đất đang được khai thác hiệu quả. Người dân quý đất như vàng. Nông dân chăm chỉ vun trồng cho nhãn tốt tươi. Đối với đồng bào quê mình, muốn được dân tin thì không thể hô hào, chỉ đạo chung chung mà phải lấy việc làm và kết quả thực tế để vận động mới thực sự hiệu quả”.


Lê Chung

Các tin khác


Người Việt Nam đầu tiên làm nông nghiệp hữu cơ trên cây ăn quả có múi

(HBĐT) - Đó là anh Nguyễn Hồng Yến - người quản lý và trực tiếp điều hành nông trại hữu cơ Linh Dũng có địa chỉ tại thôn Đồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi). Nông trại vừa được tổ chức NHO Qscert cấp chứng nhận sản phẩm quả có múi (bưởi, cam, quýt, chanh) là sản phẩm hữu cơ phù hợp với các yêu cầu của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam TCVN 11401 : 2015.

“Quả ngọt” từ mảnh đất đồi dốc, sỏi đá

(HBĐT) - Tốt nghiệp cấp III, Hà Minh Vương ở xóm Lãi, xã Tây Phong (Cao Phong) đã lựa chọn phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình VAC là con đường lập nghiệp. Được bố mẹ ủng hộ, Vương cùng gia đình bắt tay vào "công cuộc” cải tạo 2 ha đất dồi dốc, sỏi đá dưới chân núi thành vườn cây trái xanh tốt.

Bài 2: Dốc lòng xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Sau khi "thắp lên ngọn lửa” cho diện mạo công nghiệp của tỉnh, doanh nhân Vũ Duy Bổng tiếp tục dành nhiều tâm sức, nguồn lực đầu tư sang lĩnh vực du lịch. Đây là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, mong muốn góp sức khai thác tiềm năng lợi thế tài nguyên du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái hồ Hòa Bình.

Tư duy, cách làm mới trong lĩnh vực công nghiệp - du lịch

(HBĐT) - Bằng tầm nhìn, tư duy dài hạn, ý chí và nghị lực dám nghĩ dám làm, dám dấn thân, ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản An Thịnh Hòa Bình đã biến những bất lợi, khó khăn, thành lợi thế tạo bước "đột phá” đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Lương Sơn để thu hút đầu tư, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện tại, ông tiếp tục dành tâm lực đầu tư sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tạo nên sự thay đổi về chất của Công ty CP Du lịch Hòa Bình, theo đuổi định hướng, mong muốn góp sức xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa Mường, khai thác tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình.

Khởi nghiệp từ trồng cam

(HBĐT) - Trước năm 2012, với 2 ha đất đồi dốc, gia đình Bùi Thị Tâm, xóm Muôn, xã Kim Sơn (Kim Bôi) trồng keo mất 5 - 7 năm chỉ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Trước thực trạng đó, cô gái sinh năm 1994 Bùi Thị Tâm với khát khao vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương đã không ngừng học hỏi, tìm tòi trồng cây gì cho phù hợp với đất đồi quê nhà. Sau thời gian trồng thử nghiệm nhiều giống cây, Tâm nhận thấy cây cam phù hợp với đất đồi nên đã quyết định trồng cam với hình thức xen nhiều giống cam khác nhau.

Thành công từ cách làm khác, nghĩ khác

(HBĐT) - Có 2 ha đất nhưng Bùi Văn Tươi, Bí thư Đoàn xã Dũng Phong (Cao Phong) không tập trung vào cây cam giống như những người dân trong vùng mà anh đã mạnh dạn đưa cây bưởi Diễn, gấc nếp, gừng, mía tím vào canh tác. Với cách nghĩ, cách làm khác, Bùi Văn Tươi đã có những mô hình phát triển kinh tế thành công...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục