Bùi Văn Tươi, xã Dũng Phong (Cao Phong) thành công với giống gấc nếp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Len lỏi giữa cánh đồng bạt ngàn mía tím, tưởng chừng chúng tôi như lọt vào mê cung giữa trung tâm của vùng đất cổ Mường Thàng. Cũng chẳng nhớ bao nhiêu lần rẽ phải, rẽ trái chúng tôi mới đến được vườn gấc của Bùi Văn Tươi. Lọt thỏm ở giữa bạt ngàn mía là vườn gấc sai trĩu quả. ở đó có chàng trai trẻ đang lụi cụi kiểm tra, thả những quả gấc to tròn vướng dây còn nằm trên giàn xuống. Đó là Bùi Văn Tươi - 1 trong 85 thanh niên tiêu biểu cả nước năm 2016 được T.ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của.
Trò chuyện với chúng tôi, Tươi kể: Sinh ra ở vùng nông thôn chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, cũng như nhiều gia đình trong xã, trước đây, gia đình mình chỉ làm ruộng và trồng mía. Do vậy, cuộc sống chưa khi nào hết khó khăn. Chính vì nghèo khó đã thôi thúc mình quyết tâm đi học để thay đổi cuộc sống. Ban đầu cũng ước mơ được học ngành này, ngành nọ. Thế nhưng được sự phân tích, định hướng của những người trong gia đình, mình đã đi học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp tại trường Cao đẳng Cộng đồng. Năm 2006 tốt nghiệp, về quê, nhìn đồng đất cũng băn khoăn, trăn trở nhiều lắm. Bởi khi ấy, không riêng gì gia đình mình mà cả xã Dũng Phong chỉ sản xuất độc canh cây mía. Dù là cây trồng mang tính đặc trưng nhưng giá cả bấp bênh. Thế rồi, khi phong trào trồng cây có múi phát triển mạnh ở địa phương, bằng kiến thức được học trong trường, mình đã hướng gia đình chuyển một phần diện tích đất canh tác sang trồng cây có múi.
Khi ấy, hầu hết người dân ở xã Dũng Phong đều lựa chọn cây cam làm cây trồng chủ lực nhưng Bùi Văn Tươi lại làm khác. Anh không chọn cây cam mà chọn cây bưởi Diễn. Với số vốn ban đầu chỉ có 30 triệu đồng từ tiền bán mía, Tươi đã bàn với gia đình thế chấp nhà vay ngân hàng 50 triệu đồng để chuyển toàn bộ vườn tạp của gia đình sang trồng bưởi Diễn. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm cũng như chưa nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc lại mua phải giống kém chất lượng nên sau 2 năm, toàn bộ vườn bưởi của Bùi Văn Tươi phải chặt bỏ. Đứng lên sau thất bại, Bùi Văn Tươi tiếp tục đầu tư trồng bưởi Diễn. Bởi theo Tươi, đây chính là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững nhất.
Sau 3 năm đầu tư, chăm sóc, năm 2009, Bùi Văn Tươi thu được lứa quả đầu tiên. Dù không nhiều nhưng số tiền thu được đã trở thành động lực để Bùi Văn Tươi tiếp tục cố gắng, nỗ lực. Do có kiến thức, rút kinh nghiệm từ lần thất bại đầu tiên, vườn bưởi năm nào cũng đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho chàng trai trẻ. Không dừng lại ở đó, năm 2011, từ số tiền tích lũy, Bùi Văn Tươi đã trồng thêm 1,5 ha cam CS1 theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau 3 năm, lứa quả đầu tiên mang về cho gia đình Bùi Văn Tươi 200 triệu đồng. Đến nay, vườn cam đã vào chu kỳ khai thác ổn định, hàng năm cũng đem về cho gia đình trên dưới 500 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, sau khi học hỏi kinh nghiệm trồng gấc tại Lương Sơn, về nhà, Bùi Văn Tươi đã tìm trong xóm, xã những gia đình có giống gấc nếp để xin giống về trồng. Với diện tích trên 1.500 m2 đất trồng mía kém hiệu quả, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, vườn gấc đem lại cho gia đình Bùi Văn Tươi hàng chục triệu đồng. So về hiệu quả thì cây gấc có giá trị hơn hẳn cây mía, trong khi đó, việc trồng gấc cũng không tốn công chăm sóc như mía.
Cùng với đó, tận dụng diện tích đất trống dưới giàn gấc, mới đây, Tươi đã đưa cây gừng vào trồng và dưới những tán bưởi xanh mát là hàng trăm con gà được chăn thả góp phần tăng thêm giá trị thu nhập trên cùng một diện tích. Với việc chuyển đổi đa dạng trong sản xuất, Bùi Văn Tươi đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 10 lao động, thời kỳ cao điểm số lao động lên đến 20 - 25 người...
Không chỉ mạnh dạn phát triển kinh tế với cách làm, hướng đi mới, nhiều năm qua, với cương vị là Bí thư Đoàn xã, Bùi Văn Tươi trở thành người "truyền lửa”, tạo động lực giúp nhiều ĐV-TN trong xã vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương bằng sự giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất... góp phần đưa Dũng Phong trở thành xã đầu tiên của tỉnh về đích trong phong trào xây dựng NTM.
Mạnh Hùng