(HBĐT) - Đó là anh Nguyễn Hồng Yến - người quản lý và trực tiếp điều hành nông trại hữu cơ Linh Dũng có địa chỉ tại thôn Đồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi). Nông trại vừa được tổ chức NHO Qscert cấp chứng nhận sản phẩm quả có múi (bưởi, cam, quýt, chanh) là sản phẩm hữu cơ phù hợp với các yêu cầu của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam TCVN 11401 : 2015.


Anh Nguyễn Hồng Yến (bên phải) là người Việt Nam đầu tiên được tổ chức NHO Qscert trao chứng nhận cơ sở sản xuất hữu cơ Việt Nam TCVN 11041 : 2015.

 Bắt đầu từ những trăn trở

 Người chủ nông trại này từng được biết đến với tâm huyết và những đóng góp cho sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật của tỉnh. Nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích của anh đã được công nhận qua các hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh với 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba, trong đó, 1 giải pháp đoạt giải ba cấp toàn quốc, 1 giải pháp được chọn lọc đăng trong Sách Vàng sáng tạo Việt Nam năm 2016.

 Là người luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo nên ngay từ thời điểm chọn đất và quyết định trồng cây ăn quả, anh đã tự đặt ra cho mình 2 câu hỏi: Trồng thì bán cho ai? Bán như thế nào? Đây là điều khác so với đa số suy nghĩ của những người trồng cây có múi cùng thời điểm đó. Để giải đáp cho những câu hỏi đã đặt ra, bằng những kiến thức đã học trong giảng đường và thực tiễn, anh đã quyết định áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ trong canh tác cây ăn quả có múi.

 Đối với sản xuất hữu cơ, yêu cầu đặt ra rất ngặt nghèo, không được phép sử dụng bất cứ loại phân bón hóa học, thuốc hóa học nào. Ngay như trong sử dụng phân hữu cơ, nếu loại phân đó có thành phần than bùn hay những loại phân chuồng từ các cơ sở chăn nuôi công nghiệp cũng không được phép sử dụng. Cây ăn quả có múi (bưởi, cam, quýt, chanh) là nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh. Đây cũng là nhóm cây trồng thường xuyên bị nhiều loại sâu hại, bệnh hại tấn công, trong đó có những loại rất nguy hại, có thể gây hủy diệt cả vùng trồng, nhiều loài sâu hại có thể gây hại tới tận ngày thu hoạch như rệp sáp, rệp muội, rệp sáp giả, nhện đỏ, nhện rám vàng… Vì thế, với người trồng, nếu không lựa chọn được loại thuốc phù hợp, không đảm bảo thời gian cách ly, nguy cơ tồn dư hóa chất trong sản phẩm là hiện hữu.

 Để giải quyết những vấn đề về dinh dưỡng, anh Yến đã chọn các nguồn dinh dưỡng từ động, thực vật để thay thế phân bón hóa học. Cụ thể, để đảm bảo lượng phân lân cung cấp cho cây, anh sử dụng phân ủ từ cá tép vùng lòng hồ Hòa Bình có hàm lượng lân chiếm 4%, lấy lõi ngô, vỏ đỗ, trấu để đáp ứng nhu cầu kali của cây, sử dụng phân trâu, bò để cung cấp hữu cơ và các chất vi lượng cho đất, dùng khô dầu đậu tương, bột đậu tương để cung cấp đạm cho cây… Tất cả các nguồn phân bón đều được anh phân tích hàm lượng hữu cơ, hàm lượng các yếu tố đa, trung, vi lượng cũng như các yếu tố độc hại. Từ đó, dựa theo nhu cầu của cây để xác định lượng phân bón từng loại. Đến nay, anh đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình bón phân hữu cơ cho từng giống cây có múi, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.

 Với sâu bệnh hại cây ăn quả có múi, anh xác định phải quản lý sâu bệnh hại chứ không phải tiêu diệt chúng bằng mọi cách. Từ đó, anh thực hiện biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp bằng việc giữ thảm cỏ, dùng rơm, rạ phủ gốc, ủ nóng các nguồn phân hữu cơ, bón vôi, sử dụng thực vật xua đuổi, dùng bẫy bả, bẫy ánh sáng, bao quả… Đặc biệt, để phòng trừ sâu bệnh khi đến ngưỡng, anh nghiên cứu và xác định 2 loại dịch chiết thực vật có ý nghĩa quan trọng, đó là tìm ra tỷ lệ phối trộn các loài thực vật từ tỏi, ớt, gừng ngâm rượu một cách bài bản, xác định rõ tỷ lệ phối trộn và nồng độ xử lý đối với từng đối tượng sâu hại giúp phòng, chống sâu bệnh hại. Từ nghiên cứu này đã phổ biến rộng rãi tới các thành viên của HTX Mường Động và nhiều người trồng cây có múi khác cùng áp dụng. Ngoài ra, anh còn thử nghiệm thành công các công thức sử dụng dịch chiết từ lá trầu không, vỏ tôm, cua để ngăn ngừa, phòng, chống bệnh loét, ghẻ sẹo. Anh Yến cho rằng, chủ động trong phòng ngừa sâu bệnh hại chính là yếu tố then chốt để duy trì điều kiện canh tác hữu cơ.

 Xây dựng vùng sản xuất cây có múi hữu cơ

 Song song với các nghiên cứu, thử nghiệm, anh Yến đã ứng dụng, thực hành giải pháp ngay trên diện tích cây trồng có múi vườn nhà. Tại nông trại hữu cơ Linh Dũng, trên diện tích sản xuất 3,2 ha, anh đã chuyên tâm gây dựng vùng sản xuất cây có múi áp dụng giải pháp canh tác hữu cơ. Theo chủ nông trại, nền tảng nguồn gốc đất ở đây là đất trồng rừng sản xuất vốn đã không chịu tác động của canh tác hóa học. Về nước tưới được lấy từ đầu nguồn suối không ô nhiễm. Tất nhiên, 100% phân bón, thuốc BVTV đều từ hữu cơ, sinh học và thảo mộc. Nông trại cũng sử dụng tối đa các yếu tố tự nhiên trong quản lý cỏ dại và sâu bệnh.

 Với phương pháp canh tác hữu cơ, sản phẩm cây có múi của nông trại Linh Dũng hội tủ đầy đủ các yếu tố bao gồm: 5 có, 5 không và 3 an toàn. Cụ thể 5 có (có chứng nhận hữu cơ, có chứng nhận ATTP, có nhật ký đồng ruộng, có truy xuất nguồn gốc và có bao bì, nhãn mác). 5 không (không hóa chất kích thích, không phân bón hóa học, không hóa chất bảo quản, không thuốc hóa học và không sản phẩm biến đổi gen). 3 an toàn (an toàn cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng và an toàn cho môi trường sinh thái). Từ thành quả 3 năm canh tác, nông trại đã trở thành cơ sở sản xuất đầu tiên về cây có múi ở Việt Nam được NHO Qscert - tổ chức hàng đầu của Việt Nam về đánh giá, chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041:2015.

 Hiện nay, trong các sản phẩm cây có múi hữu cơ tại nông trại đã có sản phẩm chanh cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng trên 4 tấn, được tiêu thụ tại các thị trường lớn với mức giá 30.000 đồng/kg tại vườn. Dự kiến bình quân sản lượng cam, bưởi, quýt, chanh hữu cơ đạt 35 tấn/năm. Toàn bộ sản lượng thu hoạch đã được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng đúng là sản phẩm xuất phát từ nông trại, anh Yến đã đăng ký vận hành và áp dụng tem thông minh cũng là điều mới mẻ và lần đầu tiên được áp dụng đối với sản phẩm nông sản được sản xuất từ các nông trại, trang trại trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm hữu cơ, nông trại đã và đang tiếp tục hoàn thiện việc cung cấp các dịch vụ như tư vấn về hệ thống canh tác hữu cơ và GAP, đón khách thăm quan, trải nghiệm qua các hoạt động trong hệ thống canh tác hữu cơ, du lịch học đường...

 Với việc xây dựng vùng trồng cây ăn quả có múi cùng giải pháp canh tác ưu việt, anh Yến trở thành Việt Nam đầu tiên cũng là người đầu tiên ở Việt Nam làm nông nghiệp hữu cơ trên cây ăn quả có múi. Câu chuyện làm vườn và tâm huyết của anh mở ra cơ hội cho nông sản hữu cơ nói chung cây có múi hữu cơ nói riêng vươn ra chiếm lĩnh những thị trường mới.

 

                                                                            Bùi Minh

Các tin khác


Thành công từ cách làm khác, nghĩ khác

(HBĐT) - Có 2 ha đất nhưng Bùi Văn Tươi, Bí thư Đoàn xã Dũng Phong (Cao Phong) không tập trung vào cây cam giống như những người dân trong vùng mà anh đã mạnh dạn đưa cây bưởi Diễn, gấc nếp, gừng, mía tím vào canh tác. Với cách nghĩ, cách làm khác, Bùi Văn Tươi đã có những mô hình phát triển kinh tế thành công...

Người dũng cảm trồng cây “đặc sản” ở Mường Vang

(HBĐT) - Mảnh đất rộng hơn 2 ha nằm giữa xóm La Văn Cầu, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn của anh Hoàng Thanh Giang có vị trí đắc địa. Đất bằng phẳng, có đường giao thông, điện, nước thuận tiện. Đây là yếu tố quan trọng để làm nông nghiệp. Anh Giang đã không chọn cây bưởi, cam, chanh để trồng mà chọn cây dổi. Một loại cây đặc sản nhưng phải chờ "mỏi mắt” mới được thu hoạch.

Từ thầy giáo dạy thể dục đến ông chủ trang trại

(HBĐT) - "Em đã từng ước mơ sẽ trở thành giáo viên thể dục, sau đó làm việc và sinh sống ở Hà Nội. Em mất hơn 6 năm để thực hiện ước mơ này và đã thất bại. Chán chường trở về quê hương Ngọc Lâu, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, mạnh dạn vay vốn, tích cực tìm tòi và chăm chỉ làm ăn, đến nay, em đã có đàn bò sinh sản, hơn 2 ha bưởi cho thu bói và 2 ha mía, thu nhập trừ chi phí còn lãi khoảng 150 triệu đồng/năm. Làm giàu trên quê hương mình vẫn an toàn hơn cả” - Đó là chia sẻ chân tình của thanh niên Bùi Văn Thành xóm Xê 1, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) về chặng đường phát triển kinh tế khá thăng trầm của mình.

Thành công nuôi “chim lạc đà”

(HBĐT) - "Chim lạc đà” là tên gọi khác của giống đà điểu mà vợ chồng anh chị Phan Sỹ Hải và Lê Hải Yến mạnh dạn đưa về nuôi tại xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình). Mặc dù mỗi người đều có một công việc riêng nhưng với ý chí làm giàu, vợ chồng chị Yến đã "bén duyên” với loài chim cao cổ này.

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng

(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Kim Bôi hiện nay có hàng trăm thanh niên dân tộc thiểu số ở các xóm, xã vùng sâu, vùng xa đã năng động, sáng tạo trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bùi Văn Tĩnh ở xóm Rộc, xã Nật Sơn là một trong những điển hình như thế. Mới bước sang tuổi 31 nhưng Bùi Văn Tĩnh đã có một nền tảng khá vững chắc. Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế đã giúp gia đình anh không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Hiệu quả từ mô hình kinh tế tổng hợp

(HBĐT) - Được sự giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Sơn Thủy (Kim Bôi), chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp của anh Bùi Văn Tám ở xóm Khoang, là một trong những điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục