(HBĐT) - Mới đây, trên đường Điện Biên Phủ, thuộc khu vực chợ Phương Lâm cũ (TP Hoà Bình) xuất hiện một cửa hàng nông sản cung cấp các mặt hàng rau, củ, quả sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tới người tiêu dùng trên địa bàn. Sự ra đời của cửa hàng với thương hiệu "Nông sản Hòa Bình FTT” tạo ra sự khác biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm khu vực chợ trung tâm tỉnh.


An toàn thực phẩm luôn là nỗi lo lắng thường trực của mỗi gia đình, đặc biệt là chị em nội trợ. Theo chị Nguyễn Thị Hà, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình), khi đi chợ, chị luôn mua các loại rau, quả của tiểu thương quanh khu vực chợ Phương Lâm nhưng chất lượng như thế nào, có đảm bảo an toàn thực phẩm không đến người bán cũng chịu. Vì rằng, người bán hàng lấy buôn lại của những người tỉnh khác đưa về Hoà Bình và họ chỉ là người bán lại.

Thực tế tại chợ Phương Lâm, các mặt hàng nông sản tươi sống gần như 100% không có nguồn gốc xuất xứ, nếu biết đích xác người sản xuất, làm ra các sản phẩm cũng không thể biết trong quá trình sản xuất, người nông dân có tuân thủ quy trình an toàn hay không vì người trồng luôn đặt tiêu chí lợi nhuận lên trên hết.


Cửa hàng bán sản phẩm mang thương hiệu "Nông sản Hoà Bình FTT” tại khu vực chợ Phương Lâm cũ (TP Hoà Bình).

Từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng cũng như khó khăn trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày đòi hỏi phải sạch, an toàn, một nhóm cộng sự thuộc chi cục Trồng trọt & BVTV Hoà Bình đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm rau, củ, quả sạch với thương hiệu cửa hàng "Nông sản Hòa Bình FTT”. Địa chỉ tại số 59, đường Điện Biên Phủ, thuộc khu vực chợ Phương Lâm cũ (TP Hoà Bình). Được biết, số vốn ban đầu bỏ ra không nhiều (trên 10 triệu đồng) đầu tư các thiết bị bảo quản cũng như trả tiền thuê cửa hàng.

Câu chuyện về cửa hàng Nông sản Hòa Bình FTT vừa hoạt động trong những tháng vừa qua tại khu vực chợ Phương Lâm (cũ) khiến nhiều người dân khá phấn khởi. "Mặc dù giá cả tại cửa hàng Nông sản Hòa Bình FTT có cao hơn chút ít so với những người bán xung quanh nhưng ở mức hợp lý và được người tiêu dùng chấp nhận” - chị Nguyễn Thị Hà, khách hàng thường xuyên của cửa hàng cho biết.

Trao đổi với các cộng sự thành lập cửa hàng Nông sản Hòa Bình FTT được biết thêm, từ khi đi vào hoạt động, cửa hàng đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân trên địa bàn. Hàng ngày, cửa hàng có hàng trăm người đến mua các sản phẩm rau - củ - quả sạch về sử dụng.

Đáng chú ý, các sản phẩm bán tại cửa hàng được chọn lọc kỹ, đa dạng như rau muống, ngọn su su, rau mồng tơi, rau đay cùng các loại nấm... Củ, quả có su su, bầu, bí, mướp, cà chua... Hầu hết các mặt hàng được nhập về từ các vùng sản xuất hữu cơ, vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGap như vùng rau hữu cơ huyện Lương Sơn, vùng rau an toàn xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc cùng các mặt hàng của HTX rau tự nhiên của huyện Mộc Châu (Sơn La)... Đặc biệt, với quỹ đất ban đầu 2.000m2 tại xã Dân Chủ (TP Hoà Bình), nhóm của các thành viên cửa hàng Nông sản Hòa Bình FTT đã từng bước sản xuất ra nhiều loại rau đảm bảo chất lượng, an toàn cung cấp ra thị trường.

Theo anh Lê Hoài Nam, một trong những thành viên khởi nghiệp thành lập cửa hàng mang thương hiệu "Nông sản Hòa Bình FTT” cho hay, các mặt hàng bày bán tại cửa hàng đến người mua hàng đều có giám sát chặt chẽ cũng như nhật ký đồng ruộng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Thực tế, ngay từ những ngày đầu khai trương, lượng rau, củ, quả tại cửa hàng lấy về đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Có rất ít người biết rằng, trên địa bàn thành phố Hoà Bình, nhiều năm trước đây đã có những mô hình sản xuất rau, quả sạch, an toàn được triển khai trên diện rộng với nhiều nguồn lực hỗ trợ tại một số xã như: Sủ Ngòi, Thống Nhất... Tuy nhiên, hầu như hết nguồn lực đầu tư cũng là lúc kết thúc các loại mô hình. Mấu chốt vấn đề được chỉ ra là đầu ra tiêu thụ không đảm bảo, người dân đánh đồng rau sạch với các loại rau không đảm bảo an toàn.

Sự kiện cửa hàng Nông sản Hoà Bình FTT ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong cung cấp các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng cho người dân khu vực thành phố Hoà Bình. Thành công ban đầu của cửa hàng như một khởi đầu đầy may mắn cho những cộng sự tại Chi cục Trồng trọt & BVTV. Đó cũng chính là tiền đề cho chuỗi các cửa hàng tương tự với thương hiệu riêng biệt, được xây dựng trên những ý chí và quyết tâm cao. Là điều quan trọng trong khởi đầu chiến lược phát triển dài hơi của nhóm cộng sự Chi cục Trồng trọt & BVTV Hoà Bình – anh Lê Hoài Nam kỳ vọng.


Hồng Trung

Các tin khác


Tư duy, cách làm mới trong lĩnh vực công nghiệp - du lịch

(HBĐT) - Bằng tầm nhìn, tư duy dài hạn, ý chí và nghị lực dám nghĩ dám làm, dám dấn thân, ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản An Thịnh Hòa Bình đã biến những bất lợi, khó khăn, thành lợi thế tạo bước "đột phá” đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Lương Sơn để thu hút đầu tư, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện tại, ông tiếp tục dành tâm lực đầu tư sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tạo nên sự thay đổi về chất của Công ty CP Du lịch Hòa Bình, theo đuổi định hướng, mong muốn góp sức xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa Mường, khai thác tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình.

Khởi nghiệp từ trồng cam

(HBĐT) - Trước năm 2012, với 2 ha đất đồi dốc, gia đình Bùi Thị Tâm, xóm Muôn, xã Kim Sơn (Kim Bôi) trồng keo mất 5 - 7 năm chỉ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Trước thực trạng đó, cô gái sinh năm 1994 Bùi Thị Tâm với khát khao vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương đã không ngừng học hỏi, tìm tòi trồng cây gì cho phù hợp với đất đồi quê nhà. Sau thời gian trồng thử nghiệm nhiều giống cây, Tâm nhận thấy cây cam phù hợp với đất đồi nên đã quyết định trồng cam với hình thức xen nhiều giống cam khác nhau.

Thành công từ cách làm khác, nghĩ khác

(HBĐT) - Có 2 ha đất nhưng Bùi Văn Tươi, Bí thư Đoàn xã Dũng Phong (Cao Phong) không tập trung vào cây cam giống như những người dân trong vùng mà anh đã mạnh dạn đưa cây bưởi Diễn, gấc nếp, gừng, mía tím vào canh tác. Với cách nghĩ, cách làm khác, Bùi Văn Tươi đã có những mô hình phát triển kinh tế thành công...

Người dũng cảm trồng cây “đặc sản” ở Mường Vang

(HBĐT) - Mảnh đất rộng hơn 2 ha nằm giữa xóm La Văn Cầu, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn của anh Hoàng Thanh Giang có vị trí đắc địa. Đất bằng phẳng, có đường giao thông, điện, nước thuận tiện. Đây là yếu tố quan trọng để làm nông nghiệp. Anh Giang đã không chọn cây bưởi, cam, chanh để trồng mà chọn cây dổi. Một loại cây đặc sản nhưng phải chờ "mỏi mắt” mới được thu hoạch.

Từ thầy giáo dạy thể dục đến ông chủ trang trại

(HBĐT) - "Em đã từng ước mơ sẽ trở thành giáo viên thể dục, sau đó làm việc và sinh sống ở Hà Nội. Em mất hơn 6 năm để thực hiện ước mơ này và đã thất bại. Chán chường trở về quê hương Ngọc Lâu, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, mạnh dạn vay vốn, tích cực tìm tòi và chăm chỉ làm ăn, đến nay, em đã có đàn bò sinh sản, hơn 2 ha bưởi cho thu bói và 2 ha mía, thu nhập trừ chi phí còn lãi khoảng 150 triệu đồng/năm. Làm giàu trên quê hương mình vẫn an toàn hơn cả” - Đó là chia sẻ chân tình của thanh niên Bùi Văn Thành xóm Xê 1, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) về chặng đường phát triển kinh tế khá thăng trầm của mình.

Thành công nuôi “chim lạc đà”

(HBĐT) - "Chim lạc đà” là tên gọi khác của giống đà điểu mà vợ chồng anh chị Phan Sỹ Hải và Lê Hải Yến mạnh dạn đưa về nuôi tại xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình). Mặc dù mỗi người đều có một công việc riêng nhưng với ý chí làm giàu, vợ chồng chị Yến đã "bén duyên” với loài chim cao cổ này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục